Thế nào là xâm phạm nhãn hiệu (thương hiệu) và biện pháp xử lý

22.7.2022

DAZPRO: Hành vi xâm phạm nhãn hiệu được thực hiện ở nhiều dạng khác nhau, có trường hợp là cố ý xâm phạm, nhưng cũng có trường hợp là vô tình xâm phạm nhãn hiệu của người khác. Trong các trường hợp như vậy Luật sư xử lý vi phạm nhãn hiệu sẽ giúp khách hàng xử lý thế nào.

 

1. Nhận diện một số hành vi xâm phạm nhãn hiệu (thương hiệu)

(1) Hành vi cố ý hoặc vô ý sử dụng chữ viết, hình ảnh, biểu tượng, logo, … trùng (giống nhau) hoàn toàn với nhãn hiệu và sản phẩm, dịch vụ của nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ theo quy định của pháp luật.

(2) Hành vi cố ý hoặc vô ý sử dụng chữ viết, hình ảnh, biểu tượng, logo, … tương tự (giống nhau cơ bản) với nhãn hiệu và sản phẩm, dịch vụ của nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ theo quy định của pháp luật.

Cả 2 trường hợp trên cần chú ý thêm mấy điểm sau:

– Cố ý vi phạm: Tức là người vi phạm nhận thức rõ rằng việc sử dụng nhãn hiệu của người khác để gắn lên sản phẩm, dịch vụ của mình sẽ nhanh chóng tạo lợi thế thu hút khách hàng hoặc khiến cho khách hàng nhầm lẫn rằng sản phẩm, dịch vụ của mình chính là của thương hiệu gốc.

– Vô ý vi phạm: Tức là người vi phạm tạo ra nhãn hiệu (thương hiệu) và gắn lên sản phẩm, dịch vụ của mình mà không biết rằng nhãn hiệu (thương hiệu) này đã được đăng ký bảo hộ hợp pháp cho người khác.

– Cả hai trường hợp cố ý vi phạm và vô ý vi phạm đều bị pháp luật xác định là hành vi vi phạm nhãn hiệu và đều bị xử lý trách nhiệm pháp lý tương xứng với mức độ vi phạm.

– Việc xác định yếu tố “trùng” (giống nhau) hoàn toàn hay “tương tự” (giống nhau cơ bản) để kết luận có vi phạm hay không là một quá trình đánh giá phức tạp đòi hỏi tính chuyên môn và kinh nghiệm cao, thậm chí mang tính quan điểm chủ quan của người xem xét.

2. Các biện pháp xử lý hành vi xâm phạm nhãn hiệu (thương hiệu)

Người bị xâm phạm có thể lựa chọn các biện pháp xử lý người có hành vi xâm phạm nhãn hiệu của mình như sau:

2.1. Đề nghị người vi phạm tự nguyện chấm dứt hành vi vi phạm.

Theo biện pháp này thì người có nhãn hiệu bị xâm phạm, thông qua các phương tiện như thư thông báo, e-mail, gọi điện trao đổi, … để yêu cầu người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm.

Biện pháp này chỉ đạt hiệu quả trong trường hợp người vi phạm do vô ý, có hiểu biết pháp luật, tôn trọng quyền kinh doanh hợp pháp của người khác. Với trường hợp này, hai bên có thể trực tiếp hoặc qua Luật sư của mình để gặp gỡ trao đổi, giải thích cho nhau rõ vấn đề hoặc thương lượng để có giải pháp phù hợp mà không cần tới các biện pháp pháp lý mạnh mẽ hơn.

2.2. Đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính với người có hành vi xâm phạm.

Biện pháp xử phạt vi phạm hành chính là biện pháp xử lý mạnh mẽ tiếp sau biện pháp đề nghị tự chấm dứt hành vi xâm phạm và có mức phạt lên tới 500 triệu đồng.

Để được cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận xử phạt thì người bị xâm phạm phải có hồ sơ đề nghị xử lý vi phạm và giải trình rằng có bằng chứng rõ ràng và căn cứ pháp lý thuyết phục để quy kết là có hành vi xâm phạm.

Người có nhãn hiệu bị xâm phạm có thể tự mình hoặc thông qua Luật sư của mình để chuẩn bị hồ sơ pháp lý nộp cho cơ quan có thẩm quyền và sẵn sàng giải trình, cung cấp bất cứ thứ gì theo yêu cầu của cơ quan đó để để họ có cơ sở pháp lý ban hành quyết định xử phạt người có hành vi xâm phạm.

Bên cạnh việc bị xử phạt, người bị xử phạt còn chịu biện pháp xử phạt bổ sung như đình chỉ hoạt động kinh doanh liên quan tới hành vi xâm phạm và bị buộc phải hủy hoặc gỡ bỏ nhãn hiệu vi phạm.

2.3. Khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu xử lý người vi phạm.

Với biện pháp này, người có nhãn hiệu bị xâm phạm sẽ tự mình hoặc thông qua Luật sư đại diện để nộp hồ sơ khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền. Tòa án sẽ thụ lý và giải quyết vụ việc theo trình tự tố tụng dân sự theo quy định của pháp luật. Cũng tương tự như với biện pháp đề nghị xử phạt vi phạm hành chính, người bị xâm phạm cũng sẽ phải cung cấp hồ sơ, chứng cứ để chứng minh rằng có căn cứ pháp luật để quy kết người xâm phạm đã có hành vi xâm phạm nhãn hiệu của mình.

Kết quả của việc giải quyết là Tòa án sẽ áp dụng một số biện pháp xử lý sau đây đối với người vi phạm:

– Buộc người vi phạm phải chấm dứt hành vi xâm phạm.

– Bồi thường thiệt hại cho người có nhãn hiệu bị xâm phạm.

– Buộc người xâm phạm phải tiêu hủy nhãn hiệu xâm phạm.

2.4. Đề nghị lý hình sự với người có hành vi xâm phạm nhãn hiệu của người khác.

Biện pháp xử lý hình sự với người xâm phạm là biện pháp mạnh mẽ nhất. Đối với cá nhân có thể bị Tòa án phạt tù tới 3 năm, đối với pháp nhân thì có thể bị phạt tiền đến 5 tỷ đồng.

3. Luật sư xử lý vi phạm nhãn hiệu sẽ làm gì để giúp khách hàng

Trên cơ sở quy định pháp luật Luật sư sẽ giúp khách hàng đánh giá, nhận diện hành vi xâm phạm, hoàn thiện hồ sơ pháp lý và đưa ra các hướng giải quyết phù hợp với bản chất hành vi xâm phạm.

 

LIÊN HỆ LUẬT SƯ