Mục lục . Content
Căn cứ:
Luật 59/2020/QH14 về Doanh nghiệp (Luật 59).
Luật 61/2020/QH14 về Đầu tư (Luật 61).
Luật 14/2008/QH12 (sửa bởi VBHN 14/VBHN-VPQH 2020) về Thuế thu nhập Doanh nghiệp (Luật 14).
Luật 107/2016/QH13 về Thuế Xuất nhập khẩu (Luật 107).
Luật 45/2013/QH13 về Đất đai (Luật 45).
Việc thành lập công ty có vốn của nhà đầu tư nước ngoài có những quy định sau:
1. Chuẩn bị thành lập
1.1. Nhà đầu tư nước ngoài là gì ?
[Khoản 19 Điều 3 Luật 61: Là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.]
1.2. Các trường hợp nhà đầu tư nước ngoài không được thành lập công ty tại Việt Nam
[Khoản 2 Điều 17 Luật 59:
– Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; tổ chức không có tư cách pháp nhân;
– Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù […];
– Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh [..] theo quyết định của Tòa án.]
1.3. Các lĩnh vực nào nhà đầu tư nước ngoài được kinh doanh ở Việt Nam ?
– [Khoản 1 Điều 5 Luật 61: Nhà đầu tư có quyền thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề mà Luật […] không cấm. Đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thì nhà đầu tư phải đáp ứng các điều kiện đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật.
– Các lĩnh vực đầu tư bị cấm [xem tại đây]
– Các lĩnh vực đầu tư có điều kiện [xem tại đây]
1.4. Nhà đầu tư nước ngoài phải chuẩn bị các tài liệu gì
[Điều 33 Luật 61:
– Hộ chiếu của nhà đầu tư là cá nhân, Chứng nhận thành lập của nhà đầu tư là tổ chức.
– Tài liệu chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư:
+ Đối với nhà đầu tư là cá nhân: Văn bản của ngân hàng xác nhận số dư trong tài khoản của nhà đầu tư .
+ Đối với nhà đầu tư là tổ chức: Báo cáo tài chính của 2 năm gần nhất (đã kiểm toán), cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính hoặc của công ty mẹ.
Mức vốn đầu tư cần chứng minh: bằng hoặc lớn hơn mức vốn đầu tư của công ty dự kiến thành lập.
– Hợp đồng thuê địa điểm làm trụ sở công ty và giấy tờ chứng minh quyền cho thuê của bên cho thuê (nếu nhà đầu tư không có đề nghị nhà nước Việt Nam cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư).
Lưu ý: Không sử dụng căn hộ chung cư được sử dụng cho mục đích để ở (của tòa nhà hoặc phần tòa nhà chung cư) để làm trụ sở công ty.
– Các tài liệu khác tùy thuộc vào lĩnh vực đầu tư, quy mô đầu tư, địa điểm đầu tư của dự án đầu tư.]
1.5. Các tùy chọn khác của nhà đầu tư
– Loại hình doanh nghiệp
Nhà đầu tư có thể lựa chọn một trong các loại hình doanh nghiệp phổ biến sau:
+ Công ty TNHH 1 thành viên (chỉ có 1 thành viên),
+ Công ty TNHH 2 thành viên (từ 2 đến 50 thành viên),
+ Công ty Cổ phần (không giới hạn cổ đông).
– Vốn điều lệ
Nhà đầu tư tùy chọn mức vốn điều lệ phù hợp với lĩnh vực, quy mô kinh doanh của mình. Tuy nhiên, mức vốn đầu tư bắt buộc được áp dụng đối với các lĩnh vực đầu tư có điều kiện.
2. Tiến hành thành lập
2.1. Hồ sơ để nộp [Điều 33 Luật 61:
– Gồm các tài liệu như đã hướng dẫn tại mục 1.4 trên;
– Đề xuất dự án đầu tư, gồm các nội dung chủ yếu sau: nhà đầu tư hoặc hình thức lựa chọn nhà đầu tư, mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, vốn đầu tư và phương án huy động vốn, địa điểm, thời hạn, tiến độ thực hiện, thông tin về hiện trạng sử dụng đất tại địa điểm thực hiện dự án và đề xuất nhu cầu sử dụng đất (nếu có), nhu cầu về lao động, đề xuất hưởng ưu đãi đầu tư, tác động, hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án, đánh giá sơ bộ tác động môi trường (nếu có) theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.]
2.2. Thời gian cấp phép
Tùy theo lĩnh vực đầu tư, mức vốn đầu tư, địa điểm đầu tư mà có thời gian khác nhau, thường là khoảng 25 ngày làm việc.
2.3. Cơ quan cấp phép
Tùy theo lĩnh vực đầu tư, mức vốn đầu tư, địa điểm đầu tư để xác định cơ quan cấp phép cụ thể. Cơ quan cấp phép cho các lĩnh vực đầu tư, mức vốn đầu tư, địa điểm đầu tư thông thường là Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp tỉnh.
2.4. Trình tự thành lập
Bước 1: Xin phê duyệt dự án đầu tư để được cấp Chứng nhận đầu tư.
Bước 2: Đăng ký thành lập công ty để được cấp Chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
3. Công việc sau thành lập
3.1. Khắc con dấu công ty, dấu chức danh giám đốc (tổng giám đốc)
3.2. Đăng ký chữ ký số.
3.3. Mở tài khoản ngân hàng cho công ty.
3.4. Lựa chọn Kế toán thuế hoặc dịch vụ kế toán.
3.5. Đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử.
3.6. Treo biển tên công ty
[Khoản 4 Điều 37 Luật 59 quy định:
Tên doanh nghiệp phải được gắn tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp. Tên doanh nghiệp phải được in hoặc viết trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do doanh nghiệp phát hành.]
Thông thường, biển tên công ty gồm các thông tin sau:
– Tên công ty (Tên tiếng Việt và nếu cần thì thêm tên tiếng Anh, tên viết tắt),
– Địa chỉ trụ sở của công ty,
– Mã số thuế,
– Số điện thoại và email liên lạc.
4. Ưu đãi đầu tư
– Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo Điều 13, Điều 14 Luật 14:
+ Áp thuế 10% trong thời hạn 15 năm và được miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo cho: dự án đầu tư mới tại địa bàn có điều kiện đặc biệt khó khăn, tại khu kinh tế, khu công nghệ cao; dự án về công nghệ cao;
+ Áp thuế 10% và được miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo cho: lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, thể thao, môi trường ; dự án nông nghiệp công nghệ cao;
– Miễn thuế nhập khẩu tài sản cố định, nguyên liệu, vật tư theo Khoản 11 Điều 16 Luật 107 đối với dự án thuộc ngành nghề hoặc địa bàn được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định.
– Miễn tiền thuê đất theo Khoản 1 Điều 110 Luật 45 đối với dự án thuộc ngành nghề hoặc địa bàn được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định:
– Miễn 01 năm phí môn bài cho công ty mới thành lập [Điểm c Khoản 1 Điều 1 NĐ 22/2020/NĐ-CP].
LUẬT SƯ
– Tư vấn điều kiện thành lập công ty vốn NN,
– Thành lập công ty vốn nước ngoài,
– Xin Giấy phép lao động, Thẻ tạm trú, Visa.