Thủ tục giải quyết tranh chấp Nhãn hiệu – Thương hiệu

LUẬT SƯ

Tư vấn đường lối giải quyết tranh chấp nhãn hiệu

Tham gia giải trình xử lý xâm phạm

Giải quyết tranh chấp nhãn hiệu tại Tòa án

Bài viết thể hiện chọn lọc các quy định pháp luật về giải quyết tranh chấp nhãn hiệu (thương hiệu) trên cơ sở kinh nghiệm trực tiếp tham gia giải quyết các tranh chấp mà chúng tôi đã thực hiện.

Căn cứ:

– Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (Luật SHTT),

– NĐ 65/2023/NĐ-CP về Sở hữu công nghiệp (NĐ 65),

– Luật 02/2011/QH13 về Khiếu nại (Luật Khiếu nại,

Bộ luật 92/2015/QH13 về Tố tụng dân sự (Luật TTDS).

1. THỦ TỤC DÀNH CHO NGƯỜI CÓ NHÃN HIỆU BỊ XÂM PHẠM

1.1. Thế nào là Hành vi xâm phạm Nhãn hiệu ?

Theo Điều 72 NĐ 65, Hành vi bị xem xét bị coi là hành vi xâm phạm quyền của chủ sở hữu nhãn hiệu hợp pháp khi có đủ các căn cứ sau đây:

– Dấu hiệu bị cho là xâm phạm đã và đang được bảo hộ cho chủ sở hữu nhãn hiệu hợp pháp.

– Dấu hiệu bị cho là xâm phạm bị trùng hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của chủ sở hữu nhãn hiệu. Dấu hiệu bị cho là xâm phạm là dấu hiệu được gắn lên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch, biển hiệu, phương tiện quảng cáo và các phương tiện kinh doanh khác của người (cá nhân, tổ chức) có hành vi xâm phạm.

– Người sử dụng dấu hiệu bị cho là xâm phạm không phải là người sử dụng hợp pháp nhãn hiệu đã được bảo hộ, tức không phải là chủ sở hữu hoặc là người được chủ sở hữu cho phép sử dụng.

– Hành vi xâm phạm xảy ra tại Việt Nam hoặc trên mạng Internet có các yếu tố liên quan tới Việt Nam.

1.2. Chủ sở hữu nhãn hiệu lựa chọn thủ tục nào để xử lý hành vi xâm phạm ?

Thông thường, chủ sở hữu nhãn hiệu có thể lựa chọn các biện pháp sau:

1.2.1. Xử lý hành chính đối với hành vi xâm phạm

Đối với biện pháp xử lý hành chính thì cần thực hiện theo trình tự như sau:

Bước 1: Thiết lập hồ sơ đề nghị xử lý

Hồ sơ đề nghị xử lý cần thiết lập bao gồm:

– Đơn yêu cầu xử lý xâm phạm;

– Giấy chứng nhận đăng ký Nhãn hiệu;

– Ảnh chụp, tài liệu, hiện vật, … chứng minh hành vi xâm phạm nhãn hiệu;

– Văn bản giám định sở hữu công nghiệp;

– Các tài liệu khác mà nội dung có giá trị chứng minh hành vi xâm phạm.

Bước 2. Nộp hồ sơ đề nghị xử lý

– Cơ quan có thẩm quyền xử lý: Tùy theo thực tế vụ việc, mà chủ sở hữu nhãn hiệu bị xâm phạm chọn nộp Hồ sơ đề nghị xử lý được tại một trong các cơ quan sau đây: Thanh tra, Công an, Quản lý thị trường, Hải quan, Uỷ ban nhân dân các cấp.

– Kết quả của việc xử lý hành vi xâm phạm là Quyết định xử phạt vi phạm hành chính nếu có hành vi xâm phạm.

1.2.2. Khởi kiện dân sự đối với hành vi xâm phạm

Bên cạnh biện pháp xử lý hành chính thì chủ sở hữu có nhãn hiệu bị xâm phạm có thể chọn biện pháp xử lý hành vi xâm phạm tại Tòa án dân sự, theo trình tự sau đây:

Bước 1: Thiết lập hồ sơ đề nghị xử lý

Hồ sơ đề nghị xử lý cần thiết lập bao gồm:

– Đơn khởi kiện;

– Giấy chứng nhận đăng ký Nhãn hiệu;

– Ảnh chụp, tài liệu, hiện vật, … chứng minh hành vi xâm phạm nhãn hiệu;

– Văn bản giám định sở hữu công nghiệp;

– Các tài liệu khác mà nội dung có giá trị chứng minh hành vi xâm phạm.

Bước 2. Nộp hồ sơ đề nghị xử lý

– Cơ quan có thẩm quyền xử lý: Tòa án dân sự cấp tỉnh.

– Kết quả của việc xử lý hành vi xâm phạm là Bản án dân sự nếu có hành vi xâm phạm.

2. THỦ TỤC DÀNH CHO NGƯỜI BỊ NGHI NGỜ XÂM PHẠM NHÃN HIỆU

2.1. Thế nào là không có hành vi xâm phạm Nhãn hiệu ?

Người bị nghi ngờ xâm phạm nhãn hiệu không có hành vi xâm phạm nếu:

– Dấu hiệu đang được sử dụng bởi bên bị nghi ngờ xâm phạm không thuộc phạm vi bảo hộ.

– Dấu hiệu đang được sử dụng bởi bên bị nghi ngờ xâm phạm không trùng hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được bảo hộ. Tại điểm này, người bị nghi ngờ cần căn cứ vào các quy định cụ thể của pháp luật sở hữu trí tuệ để xác định yếu tố không trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ.

– Bên bị nghi ngờ xâm phạm có quyền sử dụng dấu hiệu chưa được bảo hộ cho người khác.

2.2. Người bị nghi ngờ xâm phạm cần thực hiện các thủ tục gì để chứng minh mình không xâm phạm

2.2.1. Trường hợp người bị nghi ngờ bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính, thì áp dụng một trong các biện pháp sau:

Biện pháp 1: Giải trình hành vi xâm phạm.

– Giải trình hành vi xâm phạm là việc Bên bị nghi ngờ sử dụng căn cứ pháp luật, các thông tin về thực tế sử dụng nhãn hiệu và các chứng cứ liên quan để chứng minh rằng mình không có hành vi xâm phạm nhãn hiệu của người khác.

– Trong quá cơ quan có thẩm quyền xem xét, xác minh hành vi xâm phạm (chưa ra quyết định xử lý vi phạm), thì người bị nghi ngờ cần thực hiện công việc giải trình rằng mình không có hành vi xâm phạm và các chứng cứ thuyết phục và căn cứ pháp luật kèm theo.

Nếu nội dung giải trình có căn cứ pháp luật thì cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm sẽ không ra quyết định xử lý.

Biện pháp 2. Khiếu nại hoặc khởi kiện quyết định xử lý vi phạm hành chính.

Trường hợp người bị nghi ngờ xâm phạm bị cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử lý vi phạm mà không đồng ý với quyết định đó, thì có quyền khiếu nại quyết định xử lý vi phạm hành chính đó trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được quyết định.

– Thiết lập Hồ sơ khiếu nại

+ Đơn khiếu nại;

+ Các tài liệu giải trình;

+ Các tài liệu, vật dụng để chứng minh cho việc không vi phạm.

– Nộp Hồ sơ khiếu nại

+ Hồ sơ khiếu nại được nộp tới cơ quan của người đã ra quyết định xử lý vi phạm hành chính.

+ Kết quả giải quyết: Hủy quyết định xử lý vi phạm hành chính hoặc Giữ nguyên quyết định này.

Biện pháp 3. Khởi kiện tại Tòa án hành chính

Trường hợp người bị nghi ngờ bị xử lý vi phạm hành chính không lựa chọn biện pháp 2 (Khiếu nại quyết định xử phạt hành chính) hoặc đã khiếu nại lần 2 mà vẫn không đồng ý với kết quả giải quyết khiếu nại thì có quyền khởi kiện Quyết định xử lý vi phạm hành chính ra Tòa án hành chính. Cụ thể:

– Thiết lập Hồ sơ khởi kiện

+ Đơn khởi kiện;

+ Tài liệu, chứng cứ liên quan kèm theo.

– Nộp Hồ sơ khởi kiện:

Hồ sơ Khởi kiện được nộp tại Tòa án hành chính cấp tỉnh.

2.2.2. Trường hợp người bị nghi ngờ bị khởi kiện tại Tòa án dân sự, thì cần:

Bước 1. Thiết lập Hồ sơ làm việc với Tòa án

– Văn bản ý kiến giải trình về việc không xâm phạm;

– Các tài liệu, vật dụng để làm chứng cứ chứng minh việc không xâm phạm.

Bước 2. Nộp hồ sơ tới Tòa án.

Nộp cho Tòa án văn bản ý kiến giải trình và các tài liệu, vật dụng để làm chứng cứ chứng minh không xâm phạm.