Hướng dẫn thành lập công ty vốn Việt Nam

Căn cứ:

Luật 59/2020/QH14 về Doanh nghiệp (Luật 59).

Việc thành lập công ty chỉ có vốn góp của người Việt Nam được thực hiện theo các bước, thủ tục sau đây:

1. Chuẩn bị thành lập

Sau khi đã có ý tưởng hoặc kế hoạch kinh doanh rõ ràng rồi thì quý khách cần bắt tay vào thực hiện các công việc sau đây để chuẩn bị cho việc thành lập công ty:

1.1. Kiểm tra tư cách thành viên

Quý khách có quyền thành lập doanh nghiệp không, hãy xem quy định sau đây:

[Khoản 2 Điều 17 Luật 59:

Tổ chức, cá nhân sau đây không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam:

a) Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp […];

b) Cán bộ, công chức, viên chức […];

c) Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng […]; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an […];

d) Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước […];

đ) Người chưa thành niên [chưa đủ 18 tuổi] ; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; tổ chức không có tư cách pháp nhân;

e) Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề […];

g) Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh […] theo quyết định của Tòa án.]

Như vậy, trừ các trường hợp trên, còn lại thì có quyền thành lập doanh nghiệp.

1.2. Kiểm tra ngành, nghề kinh doanh

Việc lựa chọn ngành nghề kinh doanh phù hợp vừa đơn giản lại vừa phức tạp. Đơn giản vì quý khách có thể nghĩ ngay tới tên gọi của lĩnh vực mà mình dự kiến kinh doanh, nhưng cũng phức tạp vì quý khách sẽ rất khó xác định liệu ngành nghề đó có bị pháp luật cấm không, có phải đáp ứng thêm các điều kiện gì không (giấy phép con chẳng hạn, …). Lý tưởng nhất là có Luật sư để giúp quý khách việc này. Tuy nhiên, quý khách có thể tham khảo các danh mục ngành nghề sau đây:

Danh mục ngành, nghề kinh doanh.

Danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.

Danh mục ngành, nghề bị cấm kinh doanh.

1.3. Lựa chọn mức vốn điều lệ

Ngoại trừ một số ngành nghề kinh doanh mà pháp luật có quy định về mức vốn tối thiểu bắt buộc (hay còn gọi là vốn pháp định), còn lại thì đa số là không bắt buộc. Tuy nhiên sẽ là không thích hợp nếu quý khách đăng ký mức vốn góp 0 đồng hoặc 1 đồng. Một mức vốn điều lệ phù hợp với quy mô hoạt động kinh doanh của quý khách sẽ là mức lựa chọn tốt nhất.

Sau đây ví dụ về một số ngành nghề mà pháp luật yêu cầu vốn pháp định (vốn tối thiểu) khi thành lập doanh nghiệp. Lưu ý là mức vốn điều lệ phải bằng hoặc lớn hơn mức vốn pháp định:

– Dịch vụ kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng cho người nước ngoài: 200 tỷ đồng

– Môi giới chứng khoán: 25 tỷ đồng

– Dịch vụ xếp hàng tín nhiệm: 15 tỷ đồng

– Trung tâm giáo dục nghề nghiệp: 5 tỷ đồng

– Ngân hàng thương mại: 3,000 tỷ đồng

– Công ty tài chính: 500 tỷ đồng.

– Các ngành nghề khác có yêu cầu vốn pháp định.

Như vậy, nếu ngành nghề mà quý khách dự kiến kinh doanh không thuộc trường hợp phải pháp có vốn pháp định (như ví dụ trên) thì mức vốn điều lệ do quý khách tự quyết định.

1.4. Lựa chọn loại hình doanh nghiệp và cơ cấu tổ chức

Theo quy định của pháp luật có các loại hình doanh nghiệp như:

– Công ty TNHH 1 thành viên

+ Đặc điểm chính: Chỉ có 1 thành viên duy nhất, không được phát hành cổ phần, có quyền phát hành trái phiếu, thành viên chịu trách nhiệm trong phạm vi vốn điều lệ đối với các khoản nợ của công ty.

+ Cơ cấu tổ chức của công ty TNHH 1 thành viên do chủ sở hữu là tổ chức có 2 mô hình: (i) Chủ tịch công ty, Giám đốc (hoặc Tổng giám đốc), (ii) Hội đồng thành viên, giám đốc (hoặc Tổng giám đốc).

– Công ty TNHH 2 thành viên trở lên

+ Đặc điểm chính: Có tối thiểu 2 thành viên và tối đa 50 thành viên, không được phát hành cổ phần, được phát hành trái phiếu, thành viên chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn đã góp đối với các khoản nợ của công ty.

+ Cơ cấu tổ chức: Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc (hoặc Tổng giám đốc)

– Công ty Cổ phần

+ Đặc điểm chính: Có tối thiểu 3 cổ đông và không hạn chế số lượng cổ đông; có quyền phát hành cổ phần, trái phiếu, chứng khoán; cổ đông chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn đã góp đối với các khoản nợ của công ty.

+ Cơ cấu tổ chức: Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.

– Công ty hợp danh

+ Đặc điểm chính: Thành viên là cá nhân, có tối thiểu 2 thành viên và không hạn chế số lượng thành viên; có 2 loại thành viên là thành viên hợp danh và thành viên góp vốn; thành viên hợp danh chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với nghĩa vụ của công ty, thành viên góp vốn chỉ phải chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào công ty đối với khoản nợ của công ty; công ty hợp danh không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào; thành viên hợp danh có quyền nhân danh công ty giao dịch, ký kết hợp đồng.

+ Cơ cấu tổ chức: Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc (hoặc Tổng giám đốc)

– Doanh nghiệp tư nhân

+ Đặc điểm chính: Chỉ có 1 thành viên làm chủ, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các nghĩa vụ của doanh nghiệp; không được phát hành bất kỳ loại chứng khoản nào; mỗi cá nhân chỉ được thành lập 1 doanh nghiệp tư nhân và không được thành lập hộ kinh doanh do mình làm chủ, không được là thành viên công ty hợp danh; doanh nghiệp tư nhân không được góp vốn thành lập, góp vốn, mua cổ phần của công ty hợp danh, công ty TNHH, công ty cổ phần.

+ Cơ cấu tổ chức: Chủ doanh nghiệp quyết định toàn bộ hoạt động kinh doanh, có thể thuê Giám đốc.

Trong 5 loại hình doanh nghiệp trên thì loại hình Công ty TNHH 1 thành viên, Công ty TNHH 2 thành viên trở lên, Công ty Cổ phần là phổ biến hơn cả. Trong 3 loại này thì Công ty Cổ phần là loại hình có cấu trúc quản trị phức tạp nhất.

1.5. Lựa chọn địa điểm làm trụ sở công ty

Trên cơ sở quy định của pháp luật về nhà ở, khi quý khách lựa chọn địa điểm làm trụ sở công ty, cần lưu ý 2 trường hợp được phép và không được phép sau đây:

– Các địa điểm được làm trụ sở công ty:

+ Tòa nhà có chức năng làm văn phòng;

+ Phần tòa nhà có chức năng làm văn phòng của Tòa nhà chung cư hỗn hợp;

+ Nhà ở mặt đất.

+ Văn phòng của công ty cung cấp dịch vụ văn phòng chia sẻ, văn phòng ảo.

– Các địa điểm không được làm trụ sở công ty:

+ Căn hộ trong tòa nhà chỉ có chức năng để ở (chung cư);

+ Căn hộ trong phần tòa nhà có chức năng để ở của Tòa nhà chung cư hỗn hợp;

1.6. Lựa chọn người đại diện theo pháp luật của công ty

Người đại diện theo pháp luật là gì [Khoản 1 Điều 12 Luật 59]:

[Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật]

Số lượng người đại diện theo pháp luật [Khoản 2 Điều 12 Luật 59]:

[Công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp […].]

Người đại diện theo pháp luật của công ty có thể là Giám đôc hoặc Tổng giám đốc hoặc Chủ tịch Hội đồng quản trị.

1.7. Lựa chọn tên doanh nghiệp, bảo hộ nhãn hiệu, tên miền của công ty

Việc lựa chọn tên doanh nghiệp cần lưu ý một số điểm sau đây:

– Tên không được vi phạm quy định cấm đặt tên tại Điều 38 Luật 59, cụ thể là:

+ Tên trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên doanh nghiệp đã đăng ký;

+ Sử dụng tên của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị.

+ Sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi pham truyền thống, đạo đức.

– Tên đặt tên cho doanh nghiệp cần được tra cứu bảo hộ nhãn hiệu, đăng ký tên miền để đảm bảo rằng tên doanh nghiệp không bị trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu đã được bảo hộ hoặc trùng với tên miền đã dăng ký trước, cũng như để đảm bảo sự thống nhất về mặt thương hiệu của công ty.

Nếu quý khách đặt tên trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu đã đăng ký trước thì có nguy cơ bị kiện do xâm phạm nhãn hiệu đã được bảo hộ.

2. Tiến hành thành lập

Hồ sơ chuẩn bị để tiến hành thành lập công ty được pháp luật quy định như sau:

2.1. Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tư nhân [Điều 19 Luật 59]

[1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

2. Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ doanh nghiệp tư nhân.]

2.2. Hồ sơ đăng ký công ty hợp danh [Điều 20 Luật 59]

[1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

2. Điều lệ công ty.

3. Danh sách thành viên.

4. Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên.

5. Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư.]

2.3. Hồ sơ đăng ký công ty TNHH 1 thành viên, 2 thành viên [Điều 21 Luật 59]

[1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

2. Điều lệ công ty [1 thành viên], [2 thành viên].

3. Danh sách thành viên.

4. Bản sao các giấy tờ sau đây:

a) Giấy tờ pháp lý [Căn cước công dân, CMND, Hộ chiếu] của cá nhân đối với thành viên là cá nhân, người đại diện theo pháp luật;

b) Giấy tờ pháp lý [Giấy chứng nhận thành lập] của tổ chức đối với thành viên là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền; giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền của thành viên là tổ chức.

Đối với thành viên là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;

c) Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư.]

2.4. Hồ sơ đăng ký công ty cổ phần [Điều 22 Luật 59]

[1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

2. Điều lệ công ty.

3. Danh sách cổ đông sáng lập; danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài.

4. Bản sao các giấy tờ sau đây:

a) Giấy tờ pháp lý của cá nhân [Căn cước công dân, CMND, Hộ chiếu] đối với cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân, người đại diện theo pháp luật;

b) Giấy tờ pháp lý của tổ chức [Giấy chứng nhận thành lập] đối với cổ đông là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền; giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền của cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức.

Đối với cổ đông là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;

c) Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư.]

Hồ sơ thành lập được nộp trực tuyến (online) theo tỉnh, thành phố nơi công ty đóng trụ sở. Thời hạn thẩm định là 3 ngày làm việc.

3. Công việc sau thành lập

3.1. Khắc con dấu công ty, dấu chức danh Giám đốc (hoặc Tổng giám đốc).

3.2. Treo biển tên công ty

[Khoản 4 Điều 37 Luật 59 quy định:

Tên doanh nghiệp phải được gắn tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp. Tên doanh nghiệp phải được in hoặc viết trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do doanh nghiệp phát hành.]

Thông thường, biển tên công ty gồm các thông tin sau:

– Tên công ty (Tên tiếng Việt và nếu cần thì thêm tên tiếng Anh, tên viết tắt),

– Địa chỉ trụ sở của công ty,

– Mã số thuế,

– Số điện thoại và email liên lạc.

3.3. Đăng ký chữ ký số.

3.4. Mở tài khoản ngân hàng cho công ty.

3.5. Lựa chọn Kế toán thuế hoặc dịch vụ kế toán.

3.6. Đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử.

4. Các ưu đãi cho công ty mới thành lập

Miễn 01 năm phí môn bài [Điểm c Khoản 1 Điều 1 NĐ 22/2020/NĐ-CP].

 

LIÊN HỆ LUẬT SƯ